Technical là phần phỏng vấn kỹ năng, thường diễn ra sau khi bạn pass tất cả các vòng khác. Ở vòng phỏng vấn này, bạn cần thể hiện cho Technical Manager thấy được kiến thức và kỹ năng của mình, bạn cần có sự chuẩn bị thật kỹ. Bài viết sẽ chia sẻ cho bạn những kinh nghiệm quan trọng để buổi phỏng vấn technical diễn ra suôn sẻ hơn.

Quy trình phỏng vấn chuyên môn

Mỗi công ty sẽ có quy trình phỏng vấn riêng, tuy nhiên, hầu hết các công ty đều đi theo quy trình sau:

  • Đối với Fresher/Junior: Làm kiểm tra loại tập trung trước, khoảng 30 đến 45 phút. Sau đó, nếu đạt thì sẽ được phỏng vấn chuyên môn trực tiếp với Technical Manager.
  • Đối với Experienced/Semi-Senior/Senior/Lead: Thường chỉ phỏng vấn 1 vòng với Technical Manager để kiểm tra về kỹ năng và mức độ phù hợp với công ty
  • Đối với vị trí Product Owner hoặc Business Analysis: Thường phỏng vấn qua 1 vòng chuyên môn và được yêu cầu trình bày về giải pháp, cách làm sau bài phỏng vấn đầu tiên.

Phần chuẩn bị

Xác định mục tiêu

Trước khi quyết định apply vào một công ty, bạn cần xác định được mình muốn gì, cần học gì và phát triển điều gì để cân nhắc xem công ty có thực sự phù hợp với mình không.

Bên cạnh đó, bạn cũng cần hiểu rõ điểm mạnh, điểm yếu của mình, sẽ có những cơ hội và thách thức nào cho bạn khi bắt đầu làm việc tại một vị trí nào đó. Từ đó, có thể đưa ra hướng đi phù hợp với mục đích từ ban đầu.

Chuẩn bị tâm lý

Tâm lý là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến chất lượng của buổi phỏng vấn. Bạn cần giữ cho mình sự bình tĩnh, phong thái tự tin, không nên quá áp lực và căng thẳng. Hãy xem đây chỉ là buổi nói chuyện “bình thường”, một nụ cười hay cái bắt tay là cách đơn giản nhất để gây ấn tượng với nhà tuyển dụng.

Tìm hiểu công ty

Việc đầu tiên bạn cần làm trước mỗi buổi phỏng vấn là tìm hiểu và nắm bắt một số những thông tin cốt lõi về công ty như tầm nhìn, sứ mệnh, giá trị cốt lõi, quy mô hoạt động, loại hình dịch vụ, cách thức vận hành, thành viên chủ chốt,…

Bên cạnh đó, đối với ngành lập trình, bạn cũng nên tìm hiểu xem công ty thường sử dụng công nghệ nào, quy mô công ty ra sao,…

Kiến thức

Kiến thức là phần quan trọng nhất trong các buổi phỏng vấn Technical. Đây là thứ để bạn chứng minh năng lực của mình với người phỏng vấn. Hãy tự tin thể hiện hết những gì mình có với thái độ tôn trọng và thoải mái. Tuy nhiên, ranh giới giữa tự tin và tự kiêu khá mỏng nên bạn cần phải biết làm chủ nó.

Một vài kiến thức bạn có thể chuẩn bị trước buổi phỏng vấn là:

  • Ngôn ngữ và tư duy lập trình: các câu xoay quanh các hàm xử lý trong C#, các vấn đề về khai báo và sử dụng biến, phạm vi biến, cách truyền tham số, tham trị. Các câu hỏi về Java…
  • Cấu trúc dữ liệu và giải thuật: Một số bài liên quan đến làm việc với mảng tìm kiếm/sắp xếp, hoặc bài liên quan tới Stack và Queue,…
  • Lập trình hướng đối tượng: Tìm hiểu về những kiến thức cơ bản, nền tảng về OPP như Constructor, Constructor, Overriding ,…
  • Luồng dữ liệu: Bất cứ phần mềm nào cũng đều có luồng dữ liệu, nhà tuyển dụng sẽ hỏi xem bạn có hiểu luồng của ứng dụng bạn viết không. 
  • Cơ sở dữ liệu: các câu truy vấn như làm sao đếm được số bản ghi trong 1 bảng, phân biệt các loại hàm Join, phân biệt WHERE và HAVING…
  • Các kiến thức khác như lập trình Web, lập trình Mobile…

Những thứ ứng viên nên quan tâm

Bạn cần xác định mỗi bước trên con đường sự nghiệp của mình cần học những kỹ năng gì, học hỏi như thế nào và học ở đâu. Từ đó, phát triển lên dần, và lựa chọn công ty phù hợp với mục tiêu đó. Đây là 3 thứ mà bạn nên quan tâm khi đi phỏng vấn:

Môi trường

Môi trường là nơi để bạn làm việc và phát triển. Đây là yếu tố tác động đến năng suất và hiệu quả của công việc. Một môi trường tốt và phù hợp sẽ tạo điều kiện để bạn phát huy hết năng lực của mình. Ngược lại, một môi trường có quá nhiều drama hay phức tạp sẽ khiến bạn áp lực và thậm chí là cảm thấy chán nản khi đi làm. Vì vậy, hãy chọn cho mình một môi trường phù hợp nhất để có thể thoải mái sáng tạo.

Cơ hội

Dù cho bạn có giỏi đến đâu nhưng nếu làm việc trong môi trường có ít cơ hội thì cũng sẽ rất khó để bạn phát triển. Vì vậy, trước khi phỏng vấn, bạn cần xác định được mục đích và mong muốn bạn nhận được ở công ty đó là gì? Bạn muốn học hỏi kiến thức? Hay cần phát triển nhiều hơn về năng lực của mình? Bạn có cần người hướng dẫn hay không? 

Để có thể “trưởng thành” hơn trong lĩnh vực của mình, bạn cần phải trải qua nhiều thử thách. Vì vậy, nếu bạn đang trong quá trình phát triển để “nâng cấp” kiến thức thì đừng chọn giải pháp an toàn, hãy chấp nhận thử thách và trải nghiệm nhiều hơn để có thể phát triển.

Thu nhập

Tuỳ vào mục đích và vị trí ứng tuyển mà bạn có nên quan tâm đến thu nhập hay không. Thu nhập ở đây không phải chỉ là tiền lương, mà còn là giá trị nền tảng sinh ra từ môi trường và cơ hội ở trên, những kiến thức mà bạn nhận được khi làm việc. 

Nếu bạn đang còn là sinh viên hoặc mới tốt nghiệp, không nên đặt nặng vào vấn đề tiền bạc. Hãy quan trọng nhiều hơn về những kiến thức và kỹ năng bạn học được để nó trở thành bước đệm cho bạn bứt phá sau này.

Ngoài ra, bạn có thể tham khảo thông tin trên internet về mức lương phổ biến của thị trường, sau đó cân nhắc về nhu cầu của mình để đưa ra mức lương phù hợp.

Như vậy, một môi trường tốt và có nhiều cơ hội sẽ dẫn đến thu nhập trong tương lai. Hãy chọn làm những công ty có thể cho bạn cả 3 giá trị trên, chỉ ra được đường hướng sự nghiệp rõ ràng cho các bạn thì các bạn mới có sự chuẩn bị kỹ lưỡng. 

Kinh nghiệm phỏng vấn technical

Những điều nhà tuyển dụng quan tâm

  • Kiến thức nền tảng: Đối với bất kỳ ngành nghề nào, kiến thức nền tảng là điều quan trọng nhất. Khi nắm vững những thứ cơ bản, bạn mới có thể đi sâu và nâng cao về kiến thức chuyên môn hơn
  • Kinh nghiệm: Được chia ra thành 3 cấp độ, mỗi cấp độ sẽ có mức kỳ vọng khác nhau
    • Cần phải có hướng dẫn mới làm được: thường là vị trí Intern và fresher
    • Tự làm được nhưng cần review:  Thường là vị trí Junior, Mid-lever
    • Tự đưa hướng tiếp cận và hướng giải quyết: Thường từ Senior trở lên
  • Kỹ năng: Một vài kỹ năng được yêu cầu trong lĩnh vực này
    • Kỹ năng đọc hiểu yêu cầu
    • Kỹ năng phân tích
    • Kỹ năng đưa ra giải pháp
    • Kỹ năng tổ chức
    • Kỹ năng giao tiếp

Các công cụ sử dụng trong buổi phỏng vấn

Tuỳ vào yêu cầu của mỗi công ty sẽ có những quy định khác nhau. Thông thường, trong các bài phỏng vấn technical, bạn sẽ được sử dụng máy tính và điện thoại để tham khảo thông tin. Tuy nhiên, bạn vẫn nên hỏi kỹ lại người phỏng vấn xem có được sử dụng thiết bị khác khi làm bài kiểm tra technical hay không.

Tham khảo thông tin về mức lương

Tuỳ vào vị trí và kinh nghiệm mà mỗi nơi sẽ có mức lương khác nhau, nên tham khảo trước khi đi phỏng vấn. Dưới đây là range lương phổ biến để bạn có thể tham khảo:

  • Lập trình viên PHP: có mức lương trung bình từ 9 – 15 triệu/tháng với kinh nghiệm 1 – 2 năm, cao nhất có thể lên đến 45 triệu/tháng.
  • Lập trình viên Java: có mức lương trung bình từ 10 – 17 triệu/tháng, cao nhất cũng là khoảng 45 triệu/tháng.
  • Lập trình viên .Net: có mức lương trung bình từ 10 – 17 triệu/tháng và cao nhất là 34 triệu/tháng.
  • Lập trình viên Backend: có mức lương trung bình từ 8 – 15 triệu/tháng cho những vị trí ít kinh nghiệm và có thể lên đến 50 triệu với các vị trí senior
  • Lập trình viên game: có mức lương trung bình khoảng 20 triệu/tháng, cao nhất cũng có thể lên đến 40 – 45 triệu/tháng.

Thái độ phỏng vấn

Rất nhiều nhà quản lý, nhân sự đã công nhận rằng: “Thái độ quan trọng hơn trình độ”. Họ chấp nhận tuyển một người chưa giỏi nhưng có thái độ tốt hơn một người nhân viên giỏi nhưng có thái độ không tôn trọng người khác.

Vì vậy, khi phỏng vấn, bạn cần thể hiện thái độ tôn trọng, vui vẻ và thẳng thắn trả lời những gì mình biết. Đừng úp mở hoặc ấp úng mà hãy trình bày vấn đề của mình một cách mạch lạc và rõ ràng để hai bên có thể hiểu rõ nhau hơn.

Trên đây là tất cả những chia sẻ để giúp bạn có thêm kinh nghiệm cho buổi phỏng vấn technical. Hy vọng những kinh nghiệm này sẽ giúp bạn có được trải nghiệm tốt nhất trong buổi phỏng vấn technical của mình nhé!